Tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ bảy - 24/07/2021 03:48
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng trên 27.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bao gồm khoảng 8.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 10.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 7.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; trên 2000 cơ sở thức ăn đường phố. Trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đã được triển khai, tổ chức thực hiện một cách tích cực và đạt được những kết quả nhất định.
Hoạt động thông tin truyền thông được duy trì thường xuyên và tăng cường trong các đợt cao điểm: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP đã được tổ chức từ tỉnh đến các huyện, thành, thị xã trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong tháng ATTP cả 3 tuyến xã, huyện, tỉnh đã tổ chức 901 buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề với 30.226 người nghe; 605 buổi tập huấn với 5.283 người tham dự. Bên cạnh đó, các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP khác cũng được chú trọng thực hiện: Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện 3.507 lượt phát thanh, truyền hình, báo viết, báo điện, tin bài, ảnh; thực hiện 56.409 băng rôn, khẩu hiệu, tranh, áp phích, tờ gấp... Thành lập 327 đoàn kiểm tra, đã kiểm tra 2.679 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 422.779.000 đồng.
aaaf

Trong thời gian qua, mặc dù các ngành, các cấp của tỉnh Thái Nguyên nói chung đã triển khai tương đối đồng bộ các biện pháp về công tác quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, lực lượng QLNN về ATTP còn mỏng nên khó kiểm soát. Bên cạnh đó, kế hoạch đảm bảo chất lượng ATTP ở địa phương còn hạn chế, một số huyện tuy đã thành lập Ban Chỉ đạo nhưng hoạt động chưa hiệu quả; hệ thống tổ chức chuyên trách về an toàn thực phẩm chưa đồng bộ; lực lượng thanh tra ở các tuyến xã, phường còn thiếu và chưa được đào tạo chuyên ngành; nhiều khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” chưa được kiểm soát chặt chẽ; vẫn còn tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, chè khá phổ biến; nhiều mặt hàng thực phẩm được bày bán trên thị trường qua phản ánh của người tiêu dùng chưa đảm bảo ATTP…
Trước tình hình trên, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn, trong thời gian tới tỉnh Thái Nguyên cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tăng cường các nguồn lực cho công tác QLNN về ATTP

Xây dựng lực lượng QLNN về ATTP đảm bảo về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo đó, cần tập trung tăng cường năng lực quản lý cho đội ngũ thanh tra chuyên ngành ATTP tại các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về ATTP. Xây dựng kế hoạch tuyển dụng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành ATTP hàng năm nhằm đáp ứng được khối lượng công việc và phù hợp với mức độ gia tăng, phát triển của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bổ sung đội ngũ cộng tác viên cấp cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên cho các bếp ăn tập thể. Đào tạo nâng cao trình độ, hiểu biết và thực hành của đội ngũ cán bộ quản lý ATTP đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống trong những trường hợp khẩn cấp. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm của các kiểm nghiệm viên ở tuyến tỉnh; nâng cao trình độ chuyên môn của thanh tra viên, kiểm tra viên trong sử dụng trang thiết bị. Tăng cường biên chế cho đội ngũ chuyên trách ATTP đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động bảo đảm ATTP. Xem xét, bổ sung nguồn nhân lực cho các ngành làm công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; bổ sung kinh phí đầu tư mua sắm trang, thiết bị làm việc cho lực lượng kiểm tra, đặc biệt là kinh phí cho công tác kiểm nghiệm thực phẩm.
Bên cạnh đó, các ngành cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp huyện, xã tăng cường công tác tập huấn về quản lý ATTP thuộc phạm vi quản lý. Thực hiện tốt việc chỉ định các cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện kiểm nghiệm về ATTP tham gia kiểm định, giám định chất lượng hàng hóa; thiết lập hệ thống thông tin liên thông giữa các cơ quan kiểm tra nhà nước để tránh việc trốn tránh hoặc chuyển khẩu trong thực hiện kiểm tra nhà nước.

Hai là, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức quản lý về ATTP gắn liền với việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra được xác định là một trong những giải pháp quan trọng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của QLNN về ATTP. Theo đó, trước hết cần chuẩn hoá các chức danh, kiện toàn bộ máy tổ chức của Cục Quản lý thị trường tỉnh; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý cấp huyện về an toàn thực phẩm; nhanh chóng kiện toàn và ổn định tổ chức thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về ATTP.
Đối với công tác thanh kiểm tra cần được xây dựng kế hoạch cụ thể, khi triển khai cần thực hiện theo nguyên tắc: Tăng cường kiểm tra cơ sở thực hiện không tốt, cơ sở vi phạm, cả về tần suất/năm và kiểm tra toàn diện, chi tiết, các cơ sở thực hiện tốt sẽ ít kiểm tra hơn. Đối với cơ sở sản xuất chế biến thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đối với các lễ hội có ăn uống cần có công chức chuyên ngành theo dõi, kiểm tra từ giai đoạn chuẩn bị đến lúc ăn uống.
Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý phải thiết lập hồ sơ cơ sở thực phẩm trên địa bàn phụ trách và xác định tần suất thanh, kiểm tra đối với mỗi cơ sở. Cụ thể, đối với thanh, kiểm tra liên ngành cần tập trung vào các cơ sở thực phẩm chưa được quản lý ATTP; đưa các cơ sở này vào diện quản lý về ATTP. Trong đó, cần kiểm tra chặt chẽ chất lượng ATTP của thực phẩm chế biến đưa từ tỉnh ngoài vào thị trường trong tỉnh, đặc biệt là sản phẩm của cơ sở nhỏ, chưa có thương hiệu; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP; hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở trong trường hợp xảy ra NĐTP nhằm báo cáo nhanh và tìm ra nguyên nhân chính xác.

Ba là, nâng cấp cơ sở vật chất, nguồn kinh phí phục vụ QLNN về ATTP.

Cơ sở vật chất, nguồn kinh phí là một tiền đề rất quan trọng nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng công tác QLNN về ATTP. Theo đó, cần nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị làm việc, kiểm tra, thanh tra, bổ sung trang thiết bị cho các phòng kiểm nghiệm hiện tại đáp ứng yêu cầu trở thành các phòng kiểm chứng cấp quốc gia. Bổ sung trang thiết bị cần thiết cho lực lượng quản lý thị trường để tăng cường QLNN về ATTP, nhằm thu thập nhanh và chính xác thông tin, mẫu thực phẩm, mẫu thức ăn nghi ngờ mất ATTP. Xây dựng cơ chế gắn kết các phòng kiểm nghiệm trong ngành; tận dụng trang thiết bị, kỹ năng kiểm nghiệm viên, hiệu quả sử dụng thiết bị, máy móc… của các phòng kiểm nghiệm.
Để tăng nguồn kinh phí phục vụ QLNN về ATTP thì cần phải tranh thủ các nguồn tài chính nội lực và ngoại lực (các Chương trình mục tiêu quốc gia về vẹ sinh ATTP, từ nguồn kinh phí cho công tác ATTP hàng năm ở cấp tỉnh...; các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý chất lượng ATTP, nguồn xã hội hóa).

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, giáo dục, truyền thông.

Để tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về ATTP, thời gian tới, các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, đặc biệt là Luật ATTP và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Thông qua công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP ghóp phần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, ăn uống lạc hậu gây mất an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người; đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP cần được các cơ quan quản lý nhà nước triển khai thực hiện dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Bao gồm: Tổ chức các buổi tập huấn kiến thức về ATTP, các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thi tìm hiểu về ATTP để thông qua đó tuyên truyền các kiến thức về ATTP. Kết hợp thường xuyên với cơ quan báo chí, đài truyền hình, đặt biệt là hệ thống phát thanh xã, phường để công tác ATTP luôn được cập nhật. Huy động chiến dịch truyền thông trong “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” và triển khai thường xuyên trong năm về chất lượng vệ sinh ATTP ở địa phương. Phối hợp với nhà trường để tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức về ATTP, từ đó thực hiện tốt các quy định về ATTP. Định kỳ chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác quản lý ATTP; kịp thời động viên khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác này.
Như vậy, ATTP có tầm quan trọng sống còn đối với sức khoẻ, hạnh phúc của người dân và sự phát triển của đất nước. Do đó, để bảo đảm vệ sinh ATTP thì việc tăng cường công tác QLNN về ATTP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.
Th.S Hứa Thị Minh Hồng
Khoa NN&PL

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên (2020), “Báo cáo tổng kết năm 2020”;
2. Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên (2021), “Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2021”.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập237
  • Hôm nay61,220
  • Tháng hiện tại314,063
  • Tổng lượt truy cập20,796,456
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây