Mục tiêu của công tác tư tưởng cần đạt tới là hình thành, phát triển hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; chuyển hoá thành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, khơi dậy tính tích cực cách mạng của nhân dân để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trên phương diện cá nhân, mục tiêu của công tác tư tưởng là làm thay đổi nhận thức, củng cố niềm tin, thúc đẩy hành động cách mạng của mỗi cá nhân. Do vậy, mục tiêu của công tác tư tưởng phải là: xây dựng con người và xây dựng tổ chức, mà trong đó xây dựng con người là mục tiêu lâu dài và cơ bản nhất. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác tư tưởng của Đảng đòi hỏi mỗi tổ chức Đảng, mọi cán bộ đảng viên nắm một số nội dung cơ bản sau:
Một là, công tác tư tưởng phải xuất phát từ đường lối, nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng. Bởi vì, đường lối chính trị đúng đắn là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và là điều kiện để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng; là cơ sở của sự đoàn kết thống nhất và là phương hướng hoạt động đúng đắn của mỗi người. Đồng thời, đường lối chính trị còn là căn cứ để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ công tác tư tưởng trong từng thời gian ở các cấp, các ngành.
Quan điểm, đường lối của Đảng và nhiệm vụ chính trị còn là nội dung của công tác tư tưởng, là cơ sở, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng gắn với đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng thể hiện ở việc công tác tư tưởng phải có trách nhiệm cung cấp những thông tin thực tiễn cần thiết và cơ sở khoa học của đường lối, nghị quyết mà Đảng đề ra. Khi đường lối, nghị quyết đã được ban hành thì công tác tư tưởng phải làm cho mọi người nhận thức sâu sắc cơ sở khoa học, nội dung của đường lối, nghị quyết và chỉ ra những biện pháp, chương trình, kế hoạch để mọi người thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, công tác tư tưởng phải tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn, từ đó mà bổ sung, hoàn thiện đường lối, nghị quyết và đề ra những giải pháp mới tiếp tục thực có hiện hiệu quả hơn.
Hai là, công tác tư tưởng phải gắn với phong trào cách mạng của quần chúng. Bởi vì, phong trào cách mạng của quần chúng đòi hỏi phải có tư tưởng đúng, có lý luận soi đường, dẫn lối. Mặt khác, tư tưởng cách mạng tiên tiến, khoa học muốn trở thành sức mạnh vật chất, cải tạo xã hội thì phải được thâm nhập vào quần chúng. Có thể nói, công tác tư tưởng là yếu tố tinh thần của phong trào cách mạng của quần chúng, còn phong trào cách mạng của quần chúng là sức mạnh vật chất của công tác tư tưởng. Gắn công tác tư tưởng với phong trào cách mạng của quần chúng đòi hỏi phải kịp thời phát hiện, cổ vũ, biểu dương, phổ biến những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến và những bài học quý báu nhằm xây dựng, duy trì và phát triển phong trào cách mạng của quần chúng.
Ba là, công tác tư tưởng cần phải gắn với từng đối tượng cụ thể. Mỗi giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tầng lớp và các thế hệ khác nhau có nguyện vọng, nhu cầu, tâm lý khác nhau. Để đạt chất lượng và hiệu quả cao thì công tác tư tưởng nhất thiết phải phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Do đó cần phải nghiên cứu kỹ tâm tư, nguyện vọng, trình độ nhận thức của từng đối tượng để xác định nội dung, hình thức, phương pháp công tác tư tưởng cho phù hợp. Phải coi nhu cầu, lợi ích, tư tưởng, tình cảm chính đáng của từng đối tượng làm nội dung, lấy việc thoả mãn nhu cầu nguyện vọng chính đáng của đối tượng làm mục đích của công tác tư tưởng. Đồng thời, mỗi hình thức, phương pháp công tác tư tưởng được tiến hành phải xuất phát từ khả năng tiếp nhận của chính đối tượng. Có như vậy, công tác tư tưởng mới làm cho chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thâm nhập vào quần chúng và trở thành hiện thực sinh động trong đời sống xã hội của đất nước. Do đó, trong thực hiện thực hiện công tác cần chú ý một số nội dung cụ thể sau:
Kết hợp chặt chẽ các nội dung giáo dục
Công tác tư tưởng phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách, pháp luật, kiến thức khoa học xã hội và khoa học tự nhiên; kết hợp giữa phẩm chất chính trị với đạo đức cách mạng; kết hợp giáo dục lý luận chính trị, quan điểm của Đảng gắn với tình hình, nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan đơn vị.
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng đã bao hàm tính cách mạng và khoa học, các tri thức khoa học, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đã được kết tinh trong đó. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Vì vậy, quá trình nhận thức, bổ sung, đấu tranh và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không thể không kết hợp với việc trang bị kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nâng cao trình độ nhận thức chính trị cho mọi người.
Việc kết hợp chặt chẽ các nội dung giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tri thức khoa học là cơ sở để hình thành đạo đức cách mạng, tạo ra nhiệt tình cách mạng. Ngược lại, phẩm chất đạo đức, nhiệt tình cách mạng và tri thức khoa học lại là tiền đề, điều kiện để tiếp thu, để hiện thực hoá chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tri thức khoa học trong cuộc sống. Mục đích giáo dục tư tưởng là góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đây là mục tiêu cơ bản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Công tác tư tưởng vừa có mục đích lâu dài vừa có mục tiêu trước mắt. Do đó, việc giáo dục tư tưởng phải kết hợp giữa giáo dục cơ bản, lâu dài, có hệ thống, gắn với nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng.
Kết hợp giáo dục tư tưởng trong Đảng với công tác tư tưởng của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội
Chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng thể hiện ở sự phối hợp các chủ thể tác động tổng hợp cùng chiều đối với khách thể. Với chức năng của mình, tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng đều tác động tới tư tưởng, tình cảm, đạo đức, tâm lý, tâm tư, nguyện vọng... của mỗi thành viên trong tổ chức. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi tổ chức đều có phương pháp, hình thức tác động khác nhau về tư tưởng tới các đối tượng. Chỉ có kết hợp, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức trong hệ thống chính trị, mới tạo ra chất lượng, hiệu quả giáo dục tư tưởng tốt nhất.
Kết hợp giữa xây và chống, lấy xây dựng, phát huy mặt tích cực, tiến bộ của con người làm chính để khắc phục mặt tiêu cực, lạc hậu.
Xây và chống là hai mặt của quá trình giáo dục tư tưởng, chúng có quan hệ gắn bó với nhau, không tách rời nhau, trong đó xây dựng là chủ yếu vì xuất phát từ mục đích của công tác tư tưởng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện công tác tư tưởng phải chú ý kết hợp bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cách mạng với phê phán triệt để những biểu hiện tư tưởng phi vô sản, tư tưởng tiêu cực, đồng thời biểu dương ưu điểm đi đôi với phê bình nghiêm khắc khuyết điểm.
Kết hợp giáo dục tư tưởng trong học tập với việc rèn luyện trong thực tiễn cách mạng
Giáo dục tư tưởng thông qua việc học tập là sự giáo dục cơ bản, có hệ thống và không thể thiếu. Đây là con đường ngắn nhất và thuận lợi nhất để trang bị tri thức và giáo dục tư tưởng cho người học. Song, như vậy vẫn chưa đủ, để công tác giáo dục tư tưởng đạt kết quả vững chắc thì phải cần kết hợp với việc rèn luyện trong thực tiễn, tham gia các phong trào cách mạng của quần chúng do Đảng lãnh đạo. Thông qua hoạt động thực tiễn người học sẽ tự hình thành, củng cố và hoàn thiện nhận thức, hành vi của mình. Thực tiễn là nơi kiểm nghiệm tính đúng đắn của tri thức, những quan điểm được trang bị là cơ sở hình thành niềm tin. Giáo dục tư tưởng thông qua hoạt động thực tiễn mang lại kết quả vững chắc, vì nó tạo nên sự thống nhất giữa giáo dục và tự giáo dục, giữa tư tưởng, ý thức và hành vi, giữa lời nói và việc làm. Giáo dục tư tưởng thông qua học tập và thông qua việc rèn luyện trong thực tiễn cách mạng là hai phương thức giáo dục tư tưởng chủ yếu hiện nay.
Đặng Triệu Hùng
Khoa Xây dựng Đảng