Việc thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật với công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Thái Nguyên

Thứ hai - 28/03/2022 03:15
Hơn 20 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, qua đó huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Tuy nhiên trong hơn 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai thực hiện Phong trào, trong đó có nội dung thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật.
Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có 51 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống, trong đó có 8 dân tộc đông dân nhất là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa.[1] Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm lễ hội truyền thống được diễn ra, mỗi dân tộc lại có những lễ hội khác nhau gắn với tập quán sinh hoạt, di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật như: Lễ hội Lồng Tồng (Định Hóa); Lễ hội Chùa Hang (Đồng Hỷ); Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương)... những phong tục, tập quán trong việc cưới, việc tang của người Kinh, người Hoa; người Nùng; người Tày... với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng là trung tâm y tế, giáo dục lớn của cả nước với hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên và lưu học sinh quốc tế học tập; trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp thu hút đông đảo đội ngũ chuyên gia nước ngoài, người lao động từ các tỉnh, thành đến ở và làm việc; là đầu mối giao thương với các trung tâm lớn về công nghiệp, dịch vụ nên tiềm ẩn nguy cơ dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn là rất cao. Vì vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và hậu quả của nó mang lại; nhận thức rõ tầm quan trọng của việc vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, ngay từ những ngày đầu, tỉnh Thái Nguyên đã luôn chủ động, quyết liệt, kiên trì phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các quy định của Bộ Y tế, Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện một số biện pháp. Trong đó, đối với người tham gia hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K; khi tổ chức các hoạt động tập trung đông người phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương theo phân cấp quản lý. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao… phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi. Theo đó, các cấp, các ngành địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện giao tiếp văn minh, lịch sự, trách nhiệm với công việc trong cơ quan, đơn vị; làm việc có kỷ luật, thực hiện tốt hương ước, quy ước của xóm, tổ dân phố; công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được thực hiện dưới nhiều hình thức, góp phần giữ gìn anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã đưa các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào hương ước, quy ước tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các nội dung của Phong trào. Cụ thể là:
Đối với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tỉnh Thái Nguyên vận động, khuyến khích từ rất nhiều năm qua và trong bối cảnh hiện nay, ngành văn hóa cùng các cấp chính quyền càng nỗ lực triển khai, góp phần ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương và địa phương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong toàn tỉnh; chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 01/11/2019 và Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc sửa đổi một số điều của quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Xác định việc phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ hàng đầu trong thời điểm hiện tại, trong thời gian qua đại diện Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, xóm, tổ dân phố đã chủ động nắm bắt thông tin, đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng dẫn cách thức tổ chức việc cưới, việc tang cho hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, chính người dân cũng chủ động đến trụ sở Đảng ủy, Ủy ban nhân dân để tìm hiểu quy định việc tổ chức hiếu, hỷ trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền đã tác động đến ý thức của người dân, hầu hết các đám cưới, tang được tổ chức rút gọn, hạn chế đông người, nhiều đám cưới đã lùi thời gian tổ chức. Do vậy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh, khơi dậy và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với Nhân dân các địa phương khi tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các lễ hội đã được giảm quy mô, chỉ thực hiện phần nghi lễ, hạn chế tổ chức các hoạt động hội để tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
Đối với việc thực hiện hương ước, quy ước. Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Hằng năm, tổ chức lớp tập huấn Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác quản lý Nhà nước về hương ước, quy ước nhằm trang bị, bổ sung  những kiến thức trong công tác quản lý nhà nước về hương ước cho lãnh đạo, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện, công chức Văn hóa - xã hội các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai, hướng dẫn cơ sở tổ chức rà soát, thẩm định, phê duyệt các hương ước, quy ước bảo đảm chất lượng, đúng nội dung, trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định tại Quyết định 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL ngày 06/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trên cơ sở đó, ngày 21/01/2021 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 156/QĐ-UBND định hướng nội dung hương ước thôn, xóm, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đảm bảo cho công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu cả về cả nội dung và hình thức; đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, hợp lý của hương ước, quy ước. Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 2.335/2.335 xóm, tổ dân phố có hương ước quy ước, trong đó có 2.085 hương ước, quy ước đã được phê duyệt, 250 hương ước, quy ước đã được sửa đổi bổ sung do mới thực hiện việc sáp nhập đang trình UBND cấp huyện phê duyệt[2]. Với việc quản lý có hiệu quả hương ước, quy ước đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển đời sống kinh tế, xây dựng môi trường văn hoá, văn minh lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
Hiện nay, với việc xuất hiện rất nhiều các ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã cho thấy dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và công cuộc phòng, chống sẽ còn kéo dài. Trong tình hình mới, điều kiện mới, để thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật đặt ra yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần phải quyết liệt hơn, mỗi người dân phải nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh; trong đó, tập trung vào các nội dung sau:
Một là, ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026 theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo mục tiêu: “Tiếp tục phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 - 2026 có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực;..” đồng thời “gắn kết và phát huy vai trò của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị;..”[3]. Trong đó, xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, an toàn ở địa bàn dân cư; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Hai là, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế, của tỉnh về phòng chống dịch COVID-19; giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 10/02/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,...), các biện pháp hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch,  đi lại của người dân, đặc biệt trong việc khai báo y tế.
Ba là, các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 01/11/2019 và Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc sửa đổi một số điều của quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện bổ sung vào hương ước, quy ước những nội dung liên quan về các quy định phòng, chống dịch.
Bốn là, tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng cho cán bộ, chuyên viên tham mưu và trực tiếp tham gia triển khai thực hiện phong trào các cấp, nhất là cấp cơ sở; bảo đảm phong trào được triển khai thường xuyên, liên tục, rộng khắp, phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực.
Năm là, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các hương ước, quy ước đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với tính chất, đặc thù của từng khu dân cư; thích ứng với tình hình phòng, chống dịch bệnh và được tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Sáu là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động góp phần phát triển đời sống văn hóa, xã hội ở các địa phương trong tỉnh, thu hút sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thấm sâu vào trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư. Tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực để xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao một cách đồng bộ, phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng vùng miền, phù hợp phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số.
Bẩy là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước bảo đảm nắm bắt thông tin một cách kịp thời, chính xác; duy trì hoạt động bình thường của cơ quan; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tuyệt đối không lơ là với công việc, nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 634/UBND-TH ngày 24/02/2022 về tăng cường trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, với những nội dung trên, để thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thì cần phải chủ động, linh hoạt ứng phó mới có thể kiểm soát được dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Và hơn bao giờ hết, để thích ứng an toàn trong điều kiện “bình thường mới” thì ý thức của mỗi người dân, của cộng đồng là cực kỳ quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định hàng đầu./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
2. Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
3. Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL ngày 06/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
4. Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 01/11/2019 và Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc sửa đổi một số điều của quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
5. Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026.
6. Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành định hướng nội dung hương ước thôn, xóm, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
7. Công văn số 634/UBND-TH ngày 24/02/2022 của UBND tỉnh Thái Nguyên về tăng cường trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
8. Ban chỉ đạo PTTDĐKXDĐSVH tỉnh Thái Nguyên: Báo cáo kết quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
9. https://thainguyentv.vn/thai-nguyen-quan-tam-bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-vung-dan-toc-thieu-so-87133.html
10. Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 10/02/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022.
ThS. Hứa Thị Minh Hồng

[1] https://thainguyentv.vn/thai-nguyen-quan-tam-bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-vung-dan-toc-thieu-so-87133.html
[2] Báo cáo kết quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022
 
[3] Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập972
  • Hôm nay61,220
  • Tháng hiện tại305,473
  • Tổng lượt truy cập20,787,866
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây