Vai trò của nhân tố chủ quan đôi với sự phát triển của xã hội

Thứ hai - 05/06/2023 21:09
Hành động làm nên lịch sử xã hội đầu tiên của con người, đó là con người tiến hành cải tạo thế giới tự nhiên nhằm đáp ứng những nhu cầu của mình. Lênin chỉ rõ: "Thế giới không thỏa mãn con người và con người quyết định biến đổi thế giới bằng hành động của mình"[1]. Chính bằng hoạt động cải tạo tự nhiên, con người đã xác lập nên mối quan hệ khách quan giữa con người với con người trong việc cải tạo tự nhiên, từ đó tạo ra các quan hệ xã hội của con người và tạo thành xã hội. Do đó "xã hội với tính cách là hệ thống là tổng thể những hình thức hoạt động khác nhau của con người, các quan hệ xã hội"[2].

Xã hội ra đời không ngừng vận động và phát triển, quá trình phát triển đó bao giờ cũng có sự thống nhất biện chứng giữa cái khách quan và cái chủ quan, giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Trong sự tác động lẫn nhau giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, điều kiện khách quan bao giờ cũng giữ vai trò quyết định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, nhân tố chủ quan hoàn toàn thụ động và lệ thuộc vào điều kiện khách quan mà nó có thể chuyển được các điều kiện khách quan thành nội dung hoạt động tự do sáng tạo của mình.
Theo các nguyên lý triết học Mác- Lênin chỉ ra rằng, con người vừa là sản phẩm của hoàn cảnh nhưng đồng thời là chủ thể của hoàn cảnh đó, nhân tố chủ quan trong quá trình lịch sử là những khả năng khác nhau của con người mà bằng sự tác động của mình, đã đem lại sự biến đối trong những mặt nhất định của đời sống xã hội. Điều quan trọng nhất cấu thành nhân tố chủ quan là ý thức và nói chung là đời sống tinh thần của con người, những kỹ năng, kỹ xảo và thói quen của họ trong hoạt động sản xuất, kinh nghiệm xã hội, trình độ văn hóa và đồng thời là những phẩm chất ý chí của họ: Tính tổ chức trong hoạt động của con người có một ý nghĩa to lớn.
 Với quan niệm như trên, chúng ta có thể hiểu nhân tố chủ quan là những gì thuộc về chủ thể và tham gia trực tiếp vào một hoạt động cụ thể của chủ thể cũng như bản thân sự hoạt động đó. Với quan niệm về khái niệm nhân tố chủ quan nêu trên có thể thấy cấu trúc của nhân tố chủ quan, bao gồm yếu tố ý thức của chủ thể, hoạt động có ý thức của chủ thể và sức mạnh hoạt động thực tiễn của  chủ thể
Lịch sử đã chứng minh, sự kết hợp giữa điều kiện khách quan đã chín muồi và nhân tố chủ quan được phát huy cao độ sẽ gây tác động mạnh mẽ, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của xã hội, nhất là việc phát huy vai trò tích cực, tự giác, vai trò chủ động sáng tạo của nhân tố chủ quan. Nhấn mạnh và khẳng định điều đó, trước đây khi phân tích về điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan của cách mạng xã hội, V.I.Lênin đã chỉ ra nhân tố chủ quan trở thành khâu quyết định để một cuộc cách mạng xã hội nổ ra và đi đến thành công. Người đã viết: “Không phải tình thế cách mạng nào cũng làm nổ ra cách mạng, mà chỉ có trong trường hợp là cùng với tất cả những thay đổi khách quan nói trên, lại còn có thêm một thay đổi chủ quan, tức là giai cấp cách mạng có khả năng phát động hành động cách mạng có tính chất quần chúng khá mạnh mẽ đập tan (hoặc lật đổ) chính phủ cũ, là chính phủ, ngay cả trong thời kỳ có những cuộc khủng hoảng, cũng sẽ không bao giờ "đổ" nếu không đẩy cho nó "ngã" [3].
Quan điểm trên đây của V.I.Lênin đã chỉ ra rằng quá trình vận động, phát triển của xã hội luôn tuân theo những quy luật khách quan vốn có của nó. Các quy luật khách quan không thể do bất kỳ người nào sáng tạo ra. Nó xuất hiện cùng với sự xuất hiện của những điều kiện khách quan nhất định. Nói cách khác, tùy theo các điều kiện khách quan hiện đang tồn tại, con người bước vào những quan hệ tất yếu, không phụ thuộc vào ý chí và ý thức của họ; những quan hệ ấy biểu hiện các quy luật khách quan của xã hội tương ứng với những điều kiện khách quan ấy.
 Căn cứ vào lợi ích của thực tiễn, chủ thể có thể đẩy mạnh, hoặc ngược lại kìm hãm tác dụng của một quy luật nào đó hay của cả một loạt quy luật. Điều đó cũng có nghĩa, trong quá trình hoạt động thực tiễn của các chủ thể lịch sử, bằng năng lực chủ quan của mình đã nẩy ra những phương pháp nhấn định về việc sử dụng, áp dụng những quy luật khách quan. Khi thay đổi những điều kiện khách quan, thì có thể hướng dẫn, thay đổi hoặc ngăn ngừa sự phát huy tác dụng của các quy luật.
Trong mỗi chế độ kinh tế - xã hội cùng tồn tại và phát huy tác dụng của nhiều quy luật khách quan, trong đó vai trò phát huy tác dụng của các quy luật khách quan đối với chế độ kinh tế - xã hội đó không phải là ngang nhau. Ngoài ra, trong đời sống xã hội, quy luật xã hội bao giờ cũng tác động lẫn nhau với quy luật tự nhiên. Quy luật của tự nhiên ảnh hưởng đến xã hội thông qua tác dụng của chính quy luật xã hội.
Như vậy, nhân tố chủ quan có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, vai trò đó được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, dựa trên năng lực nhận thức các quy luật khách quan, các chủ thể điều chỉnh một cách tự giác sự tác động tổng hợp của nhiều quy luật khách quan, làm cho các quy luật phát huy tác dụng có lợi nhất đối với chủ thể. Nhân tố chủ quan biết vận dụng sự liên hệ lẫn nhau của các quy luật có thể tăng cường tác dụng của mỗi quy luật bằng cách tạo ra những điều kiện khách quan làm cho sự thích ứng phát huy tác dụng tổng hợp của các quy luật khách quan đó.
Thứ hai, sự phát triển xã hội chính là quá trình, các chủ thể lịch sử lựa chọn và hiện thực hóa các khả năng phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử; phù hợp với yêu cầu và lợi ích của mình. Muốn vậy, điều đặc biệt quan trọng là người ta phải hiểu được khả năng khách quan này nay khả năng khách quan khác đến mức như thế nào để sử dụng nó, người ta có muốn sử dụng nó không, ý chí và lòng quyết tâm thực hiện nó như thế nào v.v... Như vậy, trong việc thực hiện những khả năng phát triển của xã hội, ngoài những điều kiện khách quan, cái có ý nghĩa to lớn là vai trò nhân tố chủ quan, là yếu tố có ý thức, có mục đích khi sử dụng những điều kiện khách quan cần thiết để biến khả năng thành hiện thực.
Thứ ba, nhân tố chủ quan, tìm ra con đường, những biện pháp, phương tiện tối ưu hiện thực hóa khả năng, thúc đẩy nhanh quá trình lịch sử.
Vai trò nhân tố chủ quan đối với sự phát triển của xã hội đó là, trong tiến trình hoạt động của mình, các chủ thể bảo đảm một cách tự giác và có mục đích cho các quy luật khách quan, những khả năng khách quan phát huy tác dụng và được hiện thực hóa theo một chiều hướng nhất định. Quá trình phát triển của xã hội phải xuất phát, dựa trên những điều kiện khách quan, nhưng những điều kiện khách quan chỉ thực sự trở thành nhân tố động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội khi có được sự phát huy vai trò to lớn của nhân tố chủ quan.
Nhận thức rõ tầm quan trong của nhân tố chủ quan trong phát triển xã hội, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết:“Trong hoàn cảnh lịch sử nhất định bao giờ cũng có thể có nhiều khả năng tiến lên. Và sự vật tiến lên theo khả năng này hay khả năng khác còn tùy thuộc vào ý định của con người. Cũng như để đạt được mục đích nhất định, không phải chỉ có một con đường mà có thể có nhiều con đường, giống như đi đến một điểm trung tâm, người ta có thể đi từ trên xuống, hoặc từ dưới lên, từ tả qua hay từ hữu lại. Đi theo con đường nào, cái đó do con người quyết định”[4].
Nguyễn Thành Chung
 
[1]. V.I.Lênin, Toàn tập (1981), Nxb Tiến bộ Matxcơva, tập 29, tr 229.
[2]. A.K Uleđôp (1980), Những quy luật xã hội học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 108.
 
[3].V.I.Lênin, Toàn tập (1981), Nxb Tiến bộ Matxcơva, tập 26, tr 264.
 
[4].Trần Bảo (1989), "Bàn về những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong xây dựng CNXH", Tạp chí Triết học,
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay14,343
  • Tháng hiện tại430,437
  • Tổng lượt truy cập21,600,554
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây