Thanh niên với vấn đề học tập qua tìm hiểu tư tưởng V.I. Lênin qua tác phẩm “Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên”

Chủ nhật - 04/12/2016 11:51
V.I.Lênin (1870-1924), nhà lý luận chính trị kiệt xuất đã để lại cho nhân loại tiến bộ di sản vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng. Tư tưởng của V.I.Lênin mang tính vạch thời đại, có vai trò quan trọng đối với phong trào cách mạng thế giới cũng như cách mạng Việt Nam.
DSC00698 Fotor
DSC00698 Fotor

V.I.Lênin (1870-1924), nhà lý luận chính trị kiệt xuất đã để lại cho nhân loại tiến bộ di sản vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng. Tư tưởng của V.I.Lênin mang tính vạch thời đại, có vai trò quan trọng đối với phong trào cách mạng thế giới cũng như cách mạng Việt Nam. Trong khối di sản lý luận đó, việc tìm hiểu tư tưởng của V.I.Lênin đối với công tác giáo dục thanh niên chính là dịp để chúng ta khẳng định những giá trị trường tồn trong tư tưởng và sự nghiệp của Người, khẳng định sự kiên định của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đi theo con đường V.I.Lênin.

DSC00698_Fotor

Trong bài diễn văn lịch sử: “Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên” được V.I.Lênin đọc tại Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên cộng sản Nga (họp từ ngày 2 đến ngày 10-10-1920) Người đã khẳng định vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. V.I.Lênin đã khẳng định rằng: “nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, chính là của thanh niên. Vì vậy, nếu không lôi cuốn được thanh niên vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới thì công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản sẽ không thể đi đến thành công. Bởi theo V.I.Lênin: “Thế hệ những người lao động được đào tạo trong xã hội tư bản chủ nghĩa, thì giỏi lắm chỉ có thể giải quyết được nhiệm vụ phá hủy nền móng của chế độ tư bản già cỗi dựa trên sự bóc lột. Giỏi lắm thì họ cũng chỉ có thể giải quyết được nhiệm vụ xây dựng một cơ chế xã hội có khả năng giúp cho giai cấp vô sản và các giai cấp cần lao giữ lấy chính quyền trong tay và đặt được một nền móng vững chắc, trên đó chỉ có thế hệ khởi công trong những điều kiện mới, trong một hoàn cảnh không còn quan hệ người bóc lột người nữa, mới có thể xây dựng được” (1).

Để hoàn thành sự nghiệp xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, theo V.I.Lênin, nhiệm vụ của thanh niên có thể gói gọn bằng một từ đó là HỌC TẬP.  Nhưng, để xứng đáng với danh hiệu thanh niên cộng sản thì vấn đề chủ yếu và quan trọng nhất trong nhiệm vụ học tập của thanh niên đó là phải học cái gì? Và học như thế nào? V.I.Lênin trả lời: “Học chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng như thế không có nghĩa đơn thuần học những điều đã viết về chủ nghĩa cộng sản trong sách vở, vì đó chỉ có nghĩa nắm được những kiến thức sách vở, lý thuyết. Việc học chủ nghĩa cộng sản như vậy dễ tạo ra những tên mọt sách hay những kẻ khoác lác về chủ nghĩa cộng sản. Đó sẽ là mối nguy hại cản trở quá trình xây dựng xã hội cộng sản.

Học chủ nghĩa cộng sản cũng không có nghĩa là nắm vững những khẩu hiệu cộng sản nhưng lại bác bỏ những gì mà tư duy khoa học đã tích lũy được trước đó.  V.I.Lênin giải thích, học chủ nghĩa cộng sản là phải biết hấp thụ toàn bộ kiến thức mà nhân loại đã tạo ra trong lịch sử, trên cơ sở đó phê phán, nghiền ngẫm lại và rút ra kết luận trên quan điểm giáo dục hiện đại chứ không phải hấp thụ chủ nghĩa cộng sản theo lối học gạo, giáo điều. Quan điểm này của V.I.Lênin đòi hỏi thanh niên cộng sản phải biết kế thừa và phát huy những giá trị tích cực của ông cha, của các thế hệ, xã hội trước để lại; không ngừng sáng tạo để làm giàu thêm tri thức, truyền thống mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn sống động.

Việc học tập chủ nghĩa cộng sản chỉ có giá trị khi thanh niên gắn việc học với công tác thực tiễn của mình, nghĩa là cần phải gắn lý luận với thực tiễn. Thanh niên muốn trở thành người hiện đại có học thực sự thì phải làm giàu trí óc của mình bằng sự am hiểu mọi sự việc thực tế. V.I.Lênin nói: “Không có công tác, không có đấu tranh, thì kiến thức sách vở về chủ nghĩa cộng sản rút ra từ các sách và tác phẩm về chủ nghĩa cộng sản, sẽ không có một chút giá trị nào cả, vì rằng kiến thức đó cũng chỉ là tiếp tục tình trạng tách rời trước kia giữa lý luận và thực tiễn, tình trạng đó là đặc trưng ghê tởm nhất của xã hội tư sản cũ” (2). Qua quan điểm này của V.I.Lênin đòi hỏi thanh niên phải thực hiện trách nhiệm cộng sản của mình bằng cách gắn chặt lý luận với hoạt động thực tiễn xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Bản thân thanh niên phải có thái độ nghiêm túc nhất đối với học tập. Thanh niên phải biết gắn kết việc học tập ở nhà trường, học lý thuyết với thực tiễn sống động của công cuộc đấu tranh, xây dựng xã hội mới; mỗi cá nhân phải tự giáo dục, tự trưởng thành thông qua các phong trào hành động cách mạng; Luôn nêu cao tinh thần xung kích, hăng hái xung phong, đi đầu trong mọi mặt trận.

Hơn nữa, việc học tập chủ nghĩa cộng sản của thanh niên còn phải gắn với việc rèn luyện đạo đức cộng sản mà lực lượng nòng cốt trong công tác tổ chức, tập hợp, giáo dục, rèn luyện đạo đức cộng sản trong thanh niên thuộc về nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên cộng sản. Giáo dục lý tưởng và đạo đức cộng sản cho thanh niên chính là để phục vụ lợi ích đấu tranh của giai cấp vô sản, để góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản để xây dựng chủ nghĩa cộng sản. V.I.Lênin chỉ rõ, đạo đức cộng sản là đạo đức phục vụ cuộc đấu tranh ấy, là đạo đức nhằm đoàn kết những người lao động chống mọi sự bóc lột, chống mọi chế độ tư hữu nhỏ. Thế hệ thanh niên chỉ có thể học chủ nghĩa cộng sản khi biết gắn liền từng bước học tập, giáo dục và rèn luyện của mình với cuộc đấu tranh không ngừng của những người vô sản và những người lao động chống lại xã hội cũ của bọn bóc lột. Bởi, cơ sở của đạo đức cộng sản là cuộc đấu tranh để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Như vậy, quan điểm này của V.I.Lênin cho thấy, thanh niên phải được bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, hoạt động của họ luôn phải vì những mục tiêu cao cả, tiến bộ, vì lợi ích cho cộng đồng, cho dân tộc và toàn nhân loại.

Toàn bộ lời giải đáp của V.I.Lênin về nhiệm vụ phải học tập chủ nghĩa cộng sản và học tập chủ nghĩa cộng sản như thế nào chính là cách thức, con đường, biện pháp mà Người đã chỉ ra cho thanh niên thấy rõ để hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó là xây dựng thành công xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Tư tưởng vĩ đại và những lời dạy của V.I.Lênin với thanh niên đã có tác động rất mạnh mẽ tới thế hệ thanh niên nước Nga xô-viết nói riêng, thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa nói chung. Tư tưởng ấy đã và đang trở thành kim chỉ nam cho các đảng cộng sản, công nhân tiến bộ trên thế giới trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Dưới ánh sáng và sự chỉ dẫn của V.I.Lênin, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định vai trò, vị trí của thanh niên trong tiến trình phát triển của cách mạng. Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nêu rõ: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Tư tưởng của V.I.Lênin như ngọn đuốc sáng soi đường, mở ra hướng đi cho lớp lớp thanh niên xã hội chủ nghĩa với những hoạt động tích cực, giúp họ tự lực vươn lên, làm chủ tri thức mới, vận hội mới, làm chủ công cuộc xây dựng xã hội mới. Di sản tư tưởng của V.I.Lênin đã, đang và sẽ vẫn là hành trang thiết yếu cho tuổi trẻ Việt Nam trên con đường “lập thân, lập nghiệp”, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Chú thích:

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay17,613
  • Tháng hiện tại433,707
  • Tổng lượt truy cập21,603,824
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây