Một vài suy nghĩ về tổ chức các buổi thảo luận trong chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Chủ nhật - 04/12/2016 12:19
Thảo luận là một hình thức học tập trong đó các thành viên cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết một vấn đề học tập cụ thể nhằm hướng đến một mục tiêu chung.
Một vài suy nghĩ về tổ chức các buổi thảo luận trong chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Hiện nay, trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói chung và ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên nói riêng, việc tiến hành thảo luận là phần nội dung mang tính chất bắt buộc trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị – hành chính, theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG, ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Theo khung Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị – hành chính, thời gian toàn khóa học là 6 tháng với tổng số tiết là 1056 tiết, trong đó học lý thuyết là 572 tiết (54,17 %), thảo luận là 160 tiết (15,15 %), thời gian tự học tự nghiên cứu là 324 tiết (30,68%). Thảo luận là một trong nhiều hình thức dạy học có thể phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học viên trong học tập. Việc dành tới 160 tiết thảo luận (15,15 %) trong tổng số 1056 tiết toàn khóa học đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của vấn đề thảo luận.
Qua thực tế quá trình tổ chức các buổi thảo luận trong chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên chúng tôi nhận thấy có những ưu điểm và hạn chế sau:
Về ưu điểm: Các giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã tích cực vận dụng, kết hợp các phương pháp trong thảo luận giúp học viên tự tìm hiểu kiến thức và giải đáp những vấn đề học viên thắc mắc. Phần lớn học viên đã nhận thấy được vai trò và ý nghĩa của các buổi thảo luận đối với việc học tập của mình. Nhiều học viên rất hào hứng khi thực hiện thảo luận. Qua việc thảo luận đã tạo cơ hội cho các học viên được thể hiện mình nên học viên trở nên mạnh dạn hơn, tự tin hơn, có trách nhiệm hơn, tăng cường sự gắn kết các học viên trong lớp hơn, giúp mỗi học viên thu nhận và nắm vững nhiều kiến thức hơn.
Về hạn chế: Một số ít giảng viên chưa có sự linh hoạt trong việc lựa chọn chủ đề thảo luận cho phù hợp với từng lớp, từng đối tượng học viên và kết hợp các phương pháp trong thảo luận. Một bộ phận học viên chưa coi trọng các buổi thảo luận nên ý kiến tham gia đóng góp ý kiến của học viên còn chưa cao, một số học viên còn mang tâm lý trông chờ ỷ lại vào giảng viên và học viên khác. Hiệu quả của hoạt động nhóm trong thảo luận còn chưa cao, hoạt động nhóm còn mang tính hình thức, mới chỉ chú trọng phát huy vai trò của một vài cá nhân tích cực, nhiệt tình trong nhóm, chú trọng tạo ra sản phẩm để báo cáo giảng viên mà ít chú trọng đến hợp tác nhóm để tạo ra sản phẩm; một số học viên còn thiếu và yếu về các kỹ năng làm việc nhóm, đặc biệt là kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng chia sẻ trách nhiệm, kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động nhóm; đa số tổ trưởng còn thiếu kỹ năng trong điều hành và quản lý hoạt động của nhóm.
Để tổ chức các buổi thảo luận có hiệu quả theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, về phía giảng viên: giảng viên cần phải nghiên cứu kỹ tất cả nội dung các chuyên đề trong phần học và chuẩn bị tốt những vấn đề định hướng cho học viên thảo luận. Đồng thời, cần có sự lựa chọn chủ đề thảo luận cho phù hợp với từng lớp, từng đối tượng học viên. Những vấn đề đưa ra thảo luận cũng nên đa dạng, ngoài những câu hỏi có sẵn trong giáo trình dưới dạng nêu, phân tích, trình bày… giảng viên cần linh hoạt đưa ra những tình huống, câu hỏi mang tính chất thời sự, câu hỏi vì sao, hãy giải thích…nhằm phát huy tính tích cực và tư duy sáng tạo của học viên, giúp học viên không cảm thấy nhàm chán trong các buổi thảo luận. Bên cạnh đó, giảng viên cần có sự kết hợp hài hòa các phương pháp trong thảo luận tùy thuộc vào điều kiện cụ thể mỗi lớp để sử dụng như: phương pháp hỏi – đáp, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp tình huống, phương pháp hỏi chuyên gia…; giảng viên chủ trì buổi thảo luận cũng phải là người có năng lực tổ chức, điều khiển, dẫn dắt học viên, tạo ra được không khí thoải mái trong tiến trình thảo luận; có khả năng điều tiết và xử lý khéo léo các tình huống bất thường diễn ra trong quá trình thảo luận và biết sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại.
Thứ hai, về phía học viên: Học viên cần có đầy đủ tài liệu phục vụ cho việc học tập bằng hình thức thảo luận. Nghiên cứu trước những chủ đề thảo luận mà giảng viên đã định hướng. Đồng thời, cần có tính tích cực, nhiệt tình, hăng hái tham gia trong quá trình thảo luận.
Thứ ba, về điều kiện cơ sở vật chất: Trang thiết bị cần được đảm bảo và hiện đại hóa các phương tiện dạy học.
Thảo luận là một trong những hình thức được sử dụng trong học tập chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính. Nếu giảng viên có sự chuẩn bị tốt về nội dung, đồng thời có sự hợp tác tích cực từ phía học viên và điều kiện vật chất được đảm bảo sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả các buổi thảo luận và nâng cao chât lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Th.S Nguyễn Văn Tuấn

Phó Trưởng khoa Dân vận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay17,827
  • Tháng hiện tại433,921
  • Tổng lượt truy cập21,604,038
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây