Suy nghĩ về vai trò của tư duy phản biện trong nghiên cứu khoa học

Chủ nhật - 18/06/2017 23:19
Nghiên cứu khoa học được hiểu là hoạt động nhằm tìm kiếm nguồn tri thức mới, tiến bộ, kế thừa và phát triển nền tảng tri thức của nhân loại, đồng thời làm sáng tỏ những vấn đề, hiện tượng còn mơ hồ, giúp con người làm chủ tri thức, làm chủ thế giới.

 

Thực tế đã chứng minh chỉ có làm chủ khoa học, làm chủ tri thức thì con người mới tồn tại và phát triển. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển đất nước.

Hiện nay, mặc dù đã được quan tâm tạo điều kiện về nhiều mặt song hiệu quả nghiên cứu khoa học ở nước ta chưa thực sự cao([1]). Kết quả nghiên cứu khoa học thiếu tính ứng dụng sẽ làm cho chúng ta lãng phí tài nguyên, trí lực và vật lực, về lâu dài sẽ làm đất nước không những không phát triển mà còn tụt hậu so với các nước bạn trên thế giới.

Muốn nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải xác định nội dung, phương pháp nghiên cứu đúng; nhà nghiên cứu có kỹ năng, kiến thức và sự sáng tạo. Mặt khác, nhà nghiên cứu phải có tư duy phản biện để thấy được cái mới, cái hay, để tìm tòi, bảo vệ và nhận định đúng đắn các vấn đề khoa học. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn trao đổi một vài suy nghĩ về vai trò của tư duy phản biện đối với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tại sao cần có tư duy phản biện trong nghiên cứu khoa học?

Tư duy phản biện hay còn gọi là tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.[2] Trong nghiên cứu khoa học cần có tư duy phản biện bởi vì:

Thứ nhất, do nhận thức khác nhau của người nghiên cứu. Chúng ta đều biết rằng, mỗi người khác nhau thì tư duy, nhận thức khác nhau. Chỉ những sự vật, hiện tượng được đông đảo mọi người công nhận, cùng quan điểm, cùng cách nhìn, đưa ra một khẳng định chung thì được coi là định nghĩa, mệnh đề. Tuy nhiên, để được mọi người công nhận thì nhận định đưa ra phải chặt chẽ, logic, hợp lý. Nghiên cứu khoa học là quá trình tìm kiếm chứng cứ, lập luận để khẳng định điều chúng ta tin tưởng là đúng, phản bác lại những quan điểm sai lầm, không phù hợp. Do đó, người làm nghiên cứu khoa học cần có tư duy phản biện để chọn lọc những thông tin, luận chứng trong nghiên cứu, mục đích tìm ra đáp án đúng nhất, loại bỏ những đáp án không đúng hoặc không phù hợp.

Thứ hai, do suy nghĩ chủ quan của người làm nghiên cứu. Chúng ta có xu hướng bảo vệ những điều chúng ta cho là đúng, những sự vật, hiện tượng chúng ta quan sát được. Tuy nghiên, chúng ta lại bị suy nghĩ chủ quan của mình dẫn dắt, đánh lừa, đôi khi việc đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là chúng ta đánh giá sai lệch bản chất của vấn đề, sự vật, hiện tượng, dẫn đến kết quả nghiên cứu của chúng ta không chính xác, thậm chí không đạt được kết quả. Chính vì vậy, tư duy phản biện sẽ là công cụ hữu hiệu giúp người nghiên cứu nhìn nhận sự việc một cách khách quan, tránh những sai lầm trong nghiên cứu.

Thứ ba, do yêu cầu trong nghiên cứu khoa học. Mục đích của nghiên cứu khoa học là tìm ra cái mới, khẳng định cái đúng và loại bỏ cái không phù hợp. Tuy nhiên điều quan trọng nhất của nghiên cứu khoa học là đưa ra sản phẩm được mọi người chấp thuận. Muốn vậy, người nghiên cứu phải tìm ra phương pháp đúng đắn, cách thức, công cụ nghiên cứu đúng đắn. Để làm được điều đó, người nghiên cứu cần có tư duy phản biện nhằm lựa chọn những phương pháp đúng, những cách thức phù hợp đối với từng đối tượng nghiên cứu.

Từ những lập luận nêu trên, chúng ta có thể nhận định rằng tư duy phản biện có vai trò rất lớn đối với nghiên cứu khoa học nói riêng và với tất cả các lĩnh vực nói chung trong đời sống xã hội, cụ thể:

Một là, tư duy phản biện giúp người nghiên cứu vượt ra khỏi cách suy nghĩ theo khuôn mẫu, thói quen có sẵn; hướng đến cái mới, thoát ra khỏi những rào cản của định kiến; tìm hiểu, phát hiện những ý tưởng, giá trị mới của vấn đề; tạo tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ trong suy nghĩ và hành động; có ý thức nhìn nhận mọi vấn đề dưới góc nhìn mới, đưa lại kết quả mới, kích thích khả năng sáng tạo.[3]

Tư duy phản biện giúp người nghiên cứu khoa học suy nghĩ một vấn đề theo nhiều hướng khác nhau với những cách giải quyết khác nhau; khắc phục tình trạng nhìn nhận vấn đề một chiều, phiến diện, chủ quan, duy ý chí; suy nghĩ để giải quyết vấn đề theo hướng xem xét kỹ ở mọi góc độ, khía cạnh, đưa ra nhiều phương án khác nhau và lựa chọn phương án tối ưu với những lập luận có cơ sở vững chắc; ý thức rõ ràng hơn trong việc lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác khi tranh luận; sẵn sàng chấp nhận sự thật khách quan, lắng nghe ý kiến khác với ý kiến của mình và cố gắng tìm hiểu bản chất của vấn đề trước khi đưa ra kết luận; dám thừa nhận cái chưa đúng, sẵn sàng thừa nhận cái đúng của người khác và vì vậy, dễ dàng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.

Hai là, tư duy phản biện giúp người nghiên cứu khoa học có phương pháp tư duy độc lập, nhìn ra những hạn chế, sai lầm dễ mắc phải trong quá trình tư duy của mình, từ đó đưa ra những nhận định, phán đoán đúng đắn; có suy nghĩ tích cực; khám phá những tiềm năng vốn có của bản thân, tạo động lực vượt lên chính mình, tự khẳng định mình, hình thành nhân cách tự chủ, độc lập và sáng tạo; nỗ lực cập nhật, chắt lọc những thông tin cần thiết, có giá trị, bổ ích cho nghiên cứu, cho bản thân; nâng cao kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin; trình bày vấn đề một cách sáng tạo; đưa ra luận điểm/luận cứ một cách rõ ràng; tăng cường khả năng suy nghĩ theo hướng mở, đáng tin cậy, không hấp tấp, vội vàng.

Thành công hay thất bại trong nghiên cứu khoa học nói riêng và trong hoạt động đời sống xã hội của con người nói chung phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mỗi yếu tố đều có vai trò tác động khác nhau, có liên quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, tránh được rủi ro trong nghiên cứu cũng như trong hoạt động cuộc sống thì tư duy phản biện được coi là nền tảng, có tầm ảnh hưởng quan trọng bậc nhất.

Th.s Lương Hoàng Thọ

Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập167
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm166
  • Hôm nay15,902
  • Tháng hiện tại418,777
  • Tổng lượt truy cập16,367,862
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây