Những nội dung chính của chỉ số đánh giá, xác định cải cách hành chính của UBND cấp xã bao gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hoạt động của chính quyền cơ sở; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; nhóm tiêu chí đánh giá về tác động của công tác cải cách hành chính đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Các chỉ số được đánh giá theo thang điểm tối đa là 110 điểm trong đó 100 điểm tự đánh giá, 10 điểm cho điểm thưởng, điểm trừ. Theo thang điểm này, kết quả thực hiện cải cách hành chính đối với UBND cấp xã được xem xét và phân loại thành các nhóm như sau:
Nhóm Xuất sắc: Từ 95 điểm trở lên;
Nhóm Tốt: Từ 80 điểm đến dưới 95 điểm;
Nhóm Khá: từ 70 điểm đến dưới 80 điểm;
Nhóm Trung bình: Từ 50 điểm đến dưới 70 điểm;
Nhóm Yếu: Dưới 50 điểm
Việc đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính được Hội đồng thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính của UBND cấp xã (do UBND cấp huyện thành lập) thẩm định, trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở báo cáo tự đánh giá của UBND cấp xã và kết quả theo dõi, đánh giá của các cơ quan chuyên môn và một số cơ quan liên quan thuộc UBND cấp huyện.Chủ tịch UBND cấp huyện là người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của UBND cấp xã do Hội đồng thẩm định cấp huyện trình.
Như vậy Quy định đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính của UBND cấp xã thuộc tỉnh Thái Nguyên sẽ là căn cứ đo lường những thay đổi được tạo ra trong quá trình thực hiện công tác cải cách hành chính tại UBND cấp xã. Đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, phản ánh kịp thời, trung thực kết quả triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính tại UBND cấp xã. Mặt khác thông qua đánh giá còn biểu dương các địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và kịp thời đôn đốc, nhắc nhở địa phương thực hiện không tốt, hình thức, đại khái.
Nguyễn Thị Hồng Mây
Trưởng khoa NN&PL