Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ tư - 20/12/2017 21:21
Việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, góp phần đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
khthu6
Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII
Vì vậy, để thể chế hoá các quy định liên quan đến hoạt động giám sát trong Hiến pháp, các văn bản luật mới và khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, ngày 20/11/2015 kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016 đây được xem như là khung pháp lý cơ bản cho HĐND các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát của mình.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sau hơn một năm triển khai, thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân bước đầu đã có những đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức công tác giám sát và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:
Đối với hoạt động giám sát tại kỳ họp, thông qua việc xem xét các báo cáo công tác của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và thực hiện chất vấn HĐND tỉnh đã xem xét, cho ý kiến về 86 báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp, đã có 16 ý kiến chất vấn, đề nghị giải trình đối với lãnh đạo UBND tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan. Thông qua hoạt động chất vấn, giải trình, nhiều vấn đề đã được lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan trả lời, tiếp thu và triển khai thực hiện có hiệu quả, qua đó hạn chế được những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Đối với hoạt động giám sát theo chuyên đề, HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XII; Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII. Chỉ tính riêng việc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XII và Kỳ họp thứ 2, thứ 3 HĐND tỉnh khóa XIII (các kỳ họp HĐND tỉnh), Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp 214 ý kiến, kiến nghị của cử tri (Trong đó: đã giải trình, thông tin với cử tri về 56 ý kiến, kiến nghị còn 75 ý kiến, kiến nghị của cử tri đang trong quá trình giải quyết) chuyển đến UBND tỉnh để giải quyết và trả lời. Qua tiếp thu UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết xong, dứt điểm 83 ý kiến, kiến nghị của cử tri, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội, được cử tri trong tỉnh đồng tình, đánh giá cao như: thanh toán tiền vốn đóng góp xây dựng đường dây 0,4 KW đã bàn giao lại cho ngành điện theo quy định; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của Nhà máy Z115, mỏ than Khánh Hòa; nhà máy rượu AVINAA, sữa ELOVI, gạch PRIME, công ty Xuân Sơn; mở rộng, chi trả kinh phí hỗ trợ một lần theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ đối với cán bộ chuyển vùng hoặc nghỉ hưu tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã thực hiện 20 cuộc giám sát trực tiếp đối với UBND tỉnh, sở, ngành và UBND cấp huyện; tổ chức nhiều cuộc khảo sát trực tiếp tại cơ sở nơi cử tri có ý kiến, kiến nghị. Kết quả giám sát cho thấy các ý kiến, kiến nghị của cử tri cơ bản đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện nghiên cứu, xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định, góp phần thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Nhìn chung, việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định qua giám sát trách nhiệm của UBND các cấp, các sở, ngành, đơn vị có thẩm quyền về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được nâng cao. Nhiều kiến nghị được xem xét, giải quyết dứt điểm, nội dung trả lời cơ bản đầy đủ, rõ ràng và bảo đảm thời gian theo yêu cầu.
Tuy nhiên hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: hoạt động giám sát thiếu chặt chẽ, chưa có chiều sâu, phương pháp; nội dung giám sát còn dàn trải, chưa đi sâu vào các vấn đề bức xúc, nổi cộm. Hoạt động giám sát tại kỳ họp còn hạn chế, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chưa sôi nổi.
Để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo quy định tại Điều 74, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Tiếp tục giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đang trong quá trình giải quyết và báo cáo kết quả giám sát với Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND.
Tiếp tục đổi mới nâng cao vai trò, trách nhiệm và phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Đảng đoàn HĐND tỉnh đối với HĐND, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thường xuyên lãnh đạo kiểm tra, giám sát hoạt động của HĐND tạo điều kiện và môi trường cho HĐND phát huy tính chủ động sáng tạo trong hoạt động.
Ba là, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa hoạt động các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp.
Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND chủ động hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND đảm bảo phù hợp, sát tình hình thực tiễn, đúng quy định của pháp luật. Thực hiện giám sát thường xuyên tại các kỳ họp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
Làm tốt công tác sử dụng, quy hoạch, lựa chọn, đào tạo, giới thiệu bổ nhiệm, luân chuyển đội ngũ cán bộ chuyên trách của HĐND, cán bộ là đại biểu HĐND và đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp giúp việc của HĐND. Tổ đại biểu HĐND xây dựng chương trình và tổ chức giám sát theo quy định của pháp luật, tích cực nghiên cứu tài liệu để đóng góp ý kiến cho kỳ họp HĐND cùng cấp, tổ chức cho đại biểu tham gia tiếp xúc cử tri theo luật định.
Bốn là, tăng cường các điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND.
UBND tỉnh đảm bảo các điều kiện về tổ chức, bộ máy, nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất để đáp ứng hoạt động giám sát của HĐND. Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan giúp việc HĐND các cấp đảm bảo số lượng, chất lượng và tính chuyên trách đội ngũ công chức tham mưu, phục vụ; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường trang bị cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí phục vụ hoạt động HĐND.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo kết quả công tác năm 2017, nhiệm vụ công tác năm 2018 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021;
2. Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XII; Kỳ họp thứ 2, thứ 3 HĐND tỉnh khóa XIII;
3. Nghị quyết thông qua kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XII; Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIII.
Th.S Lương Thanh Nghị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay36,723
  • Tháng hiện tại333,015
  • Tổng lượt truy cập20,815,408
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây