Vài nét về môi trường và vai trò của môi trường đối với con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ năm - 24/05/2018 22:15
Từ những năm 1960, nhiều dấu hiệu cho thấy sự suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người ngày càng ý thức rõ hơn về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống. Hội nghị của Liên Hợp Quốc về con người và môi trường tổ chức tại Stockholm (thủ đô Thuỵ Điển) ngày 05 và ngày 06/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này.
Kể từ đó, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 5 tháng 6 hàng năm là ngày Môi trường Thế giới và khuyến khích những người dân, các tổ chức và các nước trên thế giới tổ chức các hoạt động nhằm cải thiện môi trường ở nước mình trong ngày này. Hưởng ứng ngày môi trường thế giới, tôi xin được đưa ra một số quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về môi trường và vai trò của môi trường đối với con người để cùng nghiên cứu và thấy được giá trị thời đại trong quan điểm của Người.
2 (2)
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất
mở đầu Tết Trồng cây do Người phát động (11/1/1960). Ảnh internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh có tình cảm đặc biệt sâu sắc với môi trường tự nhiên. Người khẳng định, môi trường tự nhiên chính là nơi con người được sinh ra, là cơ sở, điều kiện tất yếu để con người và xã hội loài người duy trì sự tồn tại và phát triển. Trong quan điểm của Người, tự nhiên không phải những là thứ  xa  lạ, không phải chỉ là đối tượng để cải tạo, chinh phục mà còn là một bộ phận quan trọng trong cuộc sống của con người, có mối quan hệ khăng khít với cuộc sống của con người, “ thiên nhân hợp nhất”.
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự nhiên là những thứ dung dị, gần gũi như đất, nước… Trong bài phát biểu tại Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tháng 9 năm 1959, Người nhấn mạnh: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc” [1]. Đây là quan niệm xuất phát từ truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Chính vì vậy, cả cuộc đời Người đã đấu tranh dành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, bảo vệ không gian sinh tồn của người Việt Nam và bảo vệ nơi cung cấp nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất của người Việt.
 Theo Người, môi trường chính là một trong những tiền đề, cơ sở quan trọng nhất để thỏa mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của con người. Môi trường là nơi con người thực hiện các hoạt động lao động, sản xuất xã hội thông qua tác động của con người vào môi trường tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của của con người. Môi trường và con người luôn là một thể thống nhất không tách rời, sự sinh tồn của con người luôn phụ thuộc vào chất lượng môi trường tự nhiên và cách hành xử của con người trong mối quan hệ với môi trường sinh sống. Môi trường tự nhiên cung cấp cho con người những yếu tố đảm bảo cho cuộc sống, nên con người cần phải nhận thức đúng đắn về môi trường tự nhiên, tức phải nắm được các quy luật khách quan của nó. Người đã căn dặn: “Thế giới ngày nay đã tiến những bước tiến khổng lồ về mặt kiến thức của con người. Khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội không ngừng mở rộng ra những chân trời mới, con người ngày càng làm chủ được thiên nhiên cũng như làm chủ vận mệnh của xã hội và của bản thân mình”[2].
 Tại Hội nghị cán bộ miền núi ngày 01/9/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tục ngữ ta có câu Rừng vàng, biển bạc, câu đó rất đúng. Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng mỗi miền có một vị trí cực kì quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng”. Trong tư tưởng của Người, rừng là vàng nên cần phải biết  quý trọng và bảo vệ thứ tài sản quý giá ấy. Người nhấn mạnh ý nghĩa “là vàng” của rừng - là nơi cung cấp nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho đời sống nhân dân, là tấm chắn vững chắc để bảo vệ mùa màng, làng quê khỏi những tác hại của mưa lũ, hạn hán. Người đánh giá cao vai trò, tác dụng của rừng đối với đời sống con người, đồng thời yêu cầu mọi người phải biết khai thác đúng mức, khai thác kết hợp bảo tồn, xây dựng để rừng thực sự là “vàng”.
Trong quá trình lao động sản xuất, con người đã tiến hành khai thác, biến đổi các yếu tố của tự nhiên phục vụ cho sự sống của mình, cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con người khai thác rừng “lấy gỗ làm nhà”, khai thác các mỏ khoáng sản ở miền núi làm nguyên liệu cho “nông nghiệp và công nghiệp” là tất yếu. Song việc khai thác môi trường tự nhiên phải hợp lí, hiệu quả và tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường, phải luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường. Người xác định: “Đảng ta phải làm nhiều chuyện: Xây dựng nhà máy, xây dựng hợp tác xã; làm sao cho người nông dân, người công nhân ăn no, mặc ấm; làm sao cho nước càng ngày càng mạnh, dân càng ngày càng giàu. Ngày nay làm cả việc chống trời nữa” [3]. Cụ thể hơn, là: “nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hoà với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy ta phải làm sao cho dân có đủ nước để tăng gia sản xuất” [4].
Thấy được vai trò to lớn của môi trường tự nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương con người sống hòa hợp với môi trường. Theo Người, môi trường sống là yếu tố quan trọng đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và giúp cho họ công tác tốt. Chính vì vậy, Người luôn căn dặn cán bộ phải chọn những nơi ở đảm bảo các “phương châm”, các “điều kiện” sau: “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”.
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sống hài hòa với môi trường thiên nhiên. Khi Bác ở chiến khu Việt Bắc, họa sĩ Diệp Minh Châu đã từng chứng kiến Bác đào hố trồng một cây quýt trước khi chuyển sang nơi ở mới. Thấy lạ, họa sĩ Diệp Minh Châu hỏi: “Dời nhà rồi, Bác còn trồng làm gì?”. Bác đáp: “Ít lâu nữa cây quýt lớn lên, có trái, người đi đường, đi rừng có thể đỡ khát”.
Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch nước, với ngôi nhà sàn, vười hoa, ao cá trong Phủ Chủ tịch, Người vẫn thường xuyên chăm chút từng gốc cây, ngọn cỏ trong vườn. Với sự chăm sóc của Người cùng với sự tiếp nối của Ban quản lý Di tích, hiện nay toàn bộ vườn cây trong Phủ Chủ tịch có đến 1.271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó, có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Từ quan điểm, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy tình yêu to lớn của Người với thiên nhiên. Thiên nhiên, đất nước trong đời sống tinh thần của Người không đơn giản chỉ là một thái độ ứng xử tích cực của con người đối với cuộc sống xung quanh; hơn thế, sự quan tâm, bảo vệ và hòa đồng với thiên nhiên, đất nước đã trở thành một phần máu thịt, gắn quện với nhân sinh quan, thế giới quan của một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, thể hiện trình độ nhận thức cực kỳ sâu sắc của Người đối với môi trường tự nhiên và vai trò chủ động, tích cực của con người trong tiến trình biến “cái tự nhiên tự nó” thành “cái tự nhiên cho ta”. Đó vừa là một tình cảm cao quý, vừa là một bài học lịch sử vô giá mà trước lúc đi xa Người đã để lại cho con cháu mai sau.
Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học - kĩ thuật cùng với nền kinh tế thị trường phát triển, song song với sự tăng trưởng về kinh tế là nạn ô nhiễm môi trường mang tính cấp thiết. Đó không phải là vấn đề của riêng một quốc gia nào, mà là vấn đề mang tính toàn cầu. Vấn nạn ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người. Nếu con người không có biện pháp bảo vệ thì hậu quả thật khó lường. Vấn đề này càng cho chúng ta thấy việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và quan điểm của Người về vai trò của môi trường đối với con người càng có nghĩa thời sự sâu sắc.
-----------------------------------
(1). Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 13, tr 230, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội
(2). Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 13, tr. 104, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội
 (3.) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 13, tr. 104, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội
 (4).Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 14, tr. 283, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội
Th.S Nguyễn Thành Chung
Khoa Lý luận Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay20,840
  • Tháng hiện tại436,934
  • Tổng lượt truy cập21,607,051
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây