Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần, kiệm, liêm, chính là những phẩm chất tối thiểu để con người “được thực sự là người”. Đó cũng là những đức tính cơ bản để xây dựng nên những con người xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đức “cần” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên đầu tiên.
Bác Hồ đã giải thích rõ “cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”. Không những một người phải “cần” mà nhiều người phải “cần”, cả đất nước phải “cần”, bởi “Cả nhà siêng thì chắc ấm no. Cả làng siêng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng thì nước mạnh giàu”. Ấy là chân lý giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa. Người chỉ rõ, đối lập với “cần” là lười biếng. Người dạy, lười biếng là trái với đạo lý làm người, đi ngược với đạo đức của người cách mạng, nên “người lười biếng là có tội với đồng bào, Tổ quốc”. Song không chỉ cứ siêng năng, chăm chỉ là đã thực hiện được chữ “cần”. “Nếu làm cố chết, cố sống trong một ngày, một tuần hoặc một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là cần”. Theo Người “cần” phải đi liền với “chuyên”. “Chuyên” có nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu chỉ “cần” 1 ngày mà 10 ngày không “cần” thì cũng vô ích.
Người cũng chỉ dạy thêm “Muốn cho chữ cần có nhiều kết quả hơn thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”. Mỗi người phải chủ động xây dựng cho mình một lề lối làm việc khoa học, sắp xếp thời gian công việc hợp lý, phân công rõ ràng, nếu không “sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít”. Người cũng khẳng định mỗi người cần cù sẽ nâng lên hiệu quả làm việc, tạo nên của cải phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu quả vô cùng to lớn.
Để đức “cần” có hiệu quả, Bác Hồ cũng chỉ rõ đức cần phải đi đôi với đức kiệm. Kiệm là không xa hoa, lãng phí, không tiêu xài bừa bãi. Nếu chỉ cần mà không kiệm thì cũng như “gió vào nhà trống”, nếu chỉ kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Có “cần” thì mới có “kiệm”.
“Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị là một trong những nội dung trọng tâm luôn được Đảng ủy và Ban giám hiệu Nhà trường triển khai sâu rộng. Trong đó, việc đẩy mạnh học tập và thực hiện đức “cần” theo tư tưởng đạo đức của Người luôn được thanh niên trong Nhà trường học tập và noi theo:
Thứ nhất, đoàn viên thanh niên Nhà trường luôn tích cực chống các biểu hiện lười biếng trong hành động và tư duy.
Trong hành động: Phát huy vai trò xung kích và tình nguyện của tuổi trẻ, tổ chức Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thu hút đông đảo đoàn viên tham gia như tổ chức Tết thiếu nhi 1/6; vui tết trung thu cho con em cán bộ trong Nhà trường, hưởng ứng tết trồng cây, tham gia ủng hộ các chương trình từ thiện do Đoàn Khối các cơ quan tỉnh phát động, trồng và chăm sóc vườn rau thanh niên… Đặc biệt là các hoạt động thiết thực chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống của Nhà trường, ngày Thành lập Đoàn Thanh niên 26/3. Những hoạt động này tạo ra sân chơi sôi nổi, thu hút đoàn viên, thanh niên hành động tích cực, hăng hái góp phần vào thành tích chung của Nhà trường.
Trong tư duy: Mỗi đoàn viên thanh niên luôn ý thức tuổi trẻ phải sáng tạo, đổi mới. Muốn đạt được mục đích, trước hết mỗi đoàn viên thanh niên phải chịu khó tư duy. Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và đoàn thể luôn suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi kiến thức, kỹ năng, phương pháp. Đội ngũ giảng viên trẻ không ngừng tích lũy tri thức, liên tục bổ sung kiến thức mới vào bài giảng thông qua việc đọc thêm tài liệu, sách báo; cập nhật thông tin thời sự trong và ngoài nước. Một số đoàn viên thanh niên tham gia các lớp đào tạo sau đại học, trung cấp lý luận chính trị - hành chính để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, hiện nay có 03 đồng chí đi học cao học, 02 đồng chí học lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường không ngừng được khuyến khích, đẩy mạnh. Nhiều công trình khoa học và sáng kiến kinh nghiệm có chất lượng, phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy và nghiên cứu. Trong năm 2017, tuổi trẻ Trường Chính trị Thái Nguyên có 2 giảng viên trẻ được tham gia thao giảng cấp Trường, có 4 giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở, có 9 bài viết được đăng trên Thông tin lý luận và thực tiễn, có 6 bài viết được đăng trên Trang thông tin điện tử của Nhà trường. Đây là những minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ giảng viên trẻ, thực hiện đúng theo lời dạy của Bác “Một người cách mạng hoạt động và học tập cho đến phút cuối cùng, không bao giờ tiêu cực”.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch làm việc khoa học và hợp lý.
Với đặc thù công việc vừa phải đảm nhận công tác giảng dạy tại các huyện, vừa có lớp tại Trường, trong khi giảng viên nữ chiếm số lượng lớn, vừa tham gia việc Trường, vừa đảm bảo việc nhà, nên nếu không chủ động xây dựng cho mình một kế hoạch làm việc cụ thể, khoa học rất dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, vướng mắc. Học tập phong cách làm việc khoa học của Người, cán bộ, giảng viên trẻ Nhà trường đã sắp xếp thời gian làm việc hợp lý. Các giảng viên trẻ mới về Trường vừa tham gia dự giờ, soạn bài giảng, vừa tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, vừa dành thời gian cho hoạt động phong trào. Nhờ vậy đã đảm bảo đúng thời gian công tác, tránh lãng phí thời gian, lãng phí công sức.
Thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta luôn ghi nhớ và làm theo những lời Bác dạy, đặc biệt, khi mỗi cán bộ, đảng viên đang thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, và luôn quán triệt lời căn dặn của Người “Đồng chí ta phải học lấy bốn đức tính cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”./
Ma Trần Thu Hường
Khoa Xây dựng Đảng