Nghi Lễ Cấp Sắc – Nét văn hóa độc đáo của người Dao Thái Nguyên

Thứ ba - 27/11/2018 20:34
Lễ cấp sắc là một trong những phong tục độc đáo của đồng bào người Dao Thái Nguyên. Theo quan niệm, để trở thành trụ cột của gia đình, dòng họ và cộng đồng, người đàn ông dân tộc Dao phải được rèn luyện về nhiều mặt và được kiểm nghiệm phẩm chất qua nghi Lễ cấp sắc. Dù nhiều tuổi đến mấy thì chỉ sau khi thụ lễ cấp sắc họ mới được công nhận là người trưởng thành, được làm lễ cúng bái trong gia đình và được giao tiếp với cõi âm.
cs
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đón Bằng công nhận “Nghi Lễ cấp sắc” của người Dao tỉnh Thái Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tôi còn nhớ lần được cùng tham dự một Lễ cấp sắc của cộng đồng dân tộc Dao ở xóm Độc Lập, xã Phúc Chu (Định Hóa). Người được cấp sắc 7 đèn hôm đó là ông Lý Văn Cả đã 73 tuổi – người cao tuổi nhất của dòng họ Lý ở xóm Độc Lập. Theo thông lệ, đàn ông dân tộc Dao 18 tuổi trở lên, đã lập gia đình là đủ điều kiện làm Lễ cấp sắc. Nghi lễ này được tiến hành tuần tự trong dòng họ theo thứ bậc về độ tuổi từ trên xuống dưới. Ngày làm lễ được chọn rất kỹ cho hợp với tuổi người thụ lễ và trùng với thời điểm nông nhàn trong năm. Thời gian làm lễ thường kéo dài khoảng 3 ngày, với các bước chính gồm: Lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế tổ tiên. Các thầy cúng tẩy uế trong nhà rồi đánh trống mời tổ tiên về dự. Sau đó, thầy cúng làm lễ khai đàn nhằm báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ. Lễ thụ đèn, người được cấp sắc ăn mặc chỉnh tề ngồi trước ban thờ, hai tay giữ một cây nứa ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang để thầy đốt đèn, đặt nến làm lễ. Đặc biệt nhất trong nghi Lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ. Tại phần này, tên âm của người thụ lễ được ghi lên sớ để khi chết có thể về với tổ tiên. Cùng với đó là nghi lễ cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả. Sau đó các thầy sẽ dạy cho người thụ lễ một số điệu múa. Kết thúc nghi lễ, các thầy múa để dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh.
cs2
Nghi Lễ cấp sắc của người Dao huyện Định Hóa
Thầy cúng Bàn Tài An, ở xóm Đèo Muồng, xã Bảo Linh (Định Hóa) cho biết: Nét độc đáo trên bàn làm lễ của đồng bào Dao là có treo những bức tranh các vị thánh tướng của gia chủ và thầy cúng mang đến. Trên bàn của Lễ trình diện có bày 5 cặp bánh chưng, 9 chum rượu, dưới gầm bàn có chiếu, dây thắt lưng đan bằng dây rừng và bông lúa để tế âm binh. Thầy cả (trong đội thầy cúng gồm 7 người và 5 người phụ) sẽ thổi tù gọi Ngọc Hoàng và đọc sớ tấu lên người lai lịch của người được cấp sắc. Lá sớ được hóa, cũng là lúc người được cấp sắc lả đi, lúc này người ta gọi là hồn của họ đang đi chơi trên trời. Các thầy cúng bế người được cấp sắc đặt trên một cái chiếu được kết bằng rơm, thầy cả viết chữ nho lên ngực người thụ lễ gọi hồn phách của họ trở về và người được cấp sắc từ từ tỉnh dậy…
cs3
Người Dao Quần Chẹt huyện Đại Từ chuẩn bị cho Nghi Lễ cấp sắc
Thầy Bàn Đức Báo, ở xóm Chiểm, xã Quân Chu (Đại Từ) cho biết: Người Dao ở Thái Nguyên có nhiều nhóm, gồm: Dao Đỏ, Dao Lô Gang và Dao Quần Chẹt, Dao Tuyển và Dao Họ... Nhưng, dù ở nhóm nào thì người đàn ông cũng đều phải trải qua Lễ cấp sắc mới được cộng đồng làng bản công nhận đã trưởng thành, được tham gia các việc trong làng bản. Lễ cấp sắc của người Dao có nhiều bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã, bậc thứ 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã, bậc cuối cùng là cấp 12 đèn và 120 binh mã. Sau Lễ cấp sắc 7 đèn, người được thụ lễ được đặt tên âm và có thể trò chuyện với người âm. Đây là điều kiện để họ tiếp tục học thành thầy cúng để làm cấp sắc cho những người khác.
          Đối với người Dao, Lễ cấp sắc không chỉ là niềm vui của riêng người thụ lễ mà đó còn là sự kiện lớn, đáng vui mừng của cả dòng họ. Theo phong tục, người được làm Lễ cấp sắc, trong năm đó gia đình không có tang hoặc gặp điều xui xẻo. Từ nhiều năm nay, nghi Lễ cấp sắc trong đồng bào người Dao đã có sự cải biến phù hợp. Bản sắc gốc được gìn giữ, lưu truyền, song cách làm được thực hiện phù hợp hơn với tâm lý, tình cảm của mọi người trong cộng đồng. Ông Triệu Quốc Hội, dân tộc Dao, ở xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) cho biết: Để tiết kiệm, hầu hết các Lễ cấp sắc của đồng bào người Dao hiện nay đã được rút ngắn xuống con còn 2 ngày 1 đêm, thay vì 3 ngày 2 đêm như trước kia. Việc tổ chức ăn uống linh đình, mời nhiều khách hoặc các thủ tục không cần thiết cũng được loại bỏ để bớt tốn kém, giúp cho lễ cấp sắc vẫn giữ được bản sắc văn hóa nhưng không trở thành gánh nặng của bà con.
          Không chỉ có ý nghĩa công nhận trưởng thành cho người đàn ông, lễ cấp sắc của người Dao là cả một kho tàng văn hóa cổ truyền mang tính giáo dục và giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Nghi Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao Thái Nguyên hiện còn giữ được bản sắc gốc, gồm nhiều nghi thức liên tâm linh, văn học nghệ thuật, tập quán sinh hoạt. Với những nét độc đáo đó, Lễ cấp sắc của cộng đồng người Dao ở tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là sự ghi nhận xứng đáng, đồng thời là niềm động viên lớn để cộng đồng người Dao tiếp tục duy trì và phát huy những nét đặc sắc trong phong tục, tập quán của dân tộc mình./.
Th.S Lê Chí Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay21,189
  • Tháng hiện tại439,634
  • Tổng lượt truy cập21,609,751
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây