Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 – Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật); đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012.
Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật quy định:
"Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội".
Cụ thể hóa Điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật.
Theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình mà tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Ngày Pháp luật cũng là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác này. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội.
Chủ đề Ngày Pháp luật năm 2018 được xác định là: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2018 được thực hiện theo Công văn số 2787/BTP-PBGDPL ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018. Tổ chức Ngày Pháp luật năm nay nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11; đưa việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên.
Phát huy tính tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức pháp luật, giáo dục lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, gắn với phong trào thi đua hướng đến tổng kết 05 năm triển khai Ngày Pháp luật (09/11/2013 – 09/11/2018).
Phát huy kết quả, kinh nghiệm tổ chức Ngày Pháp luật năm 2017; khắc phục những hạn chế, tồn tại và xác định các hoạt động triển khai phù hợp trong năm 2018, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa.
Triển khai thực hiện có hiệu quả quy định về Ngày Pháp luật theo quy định của Luật PBGDPL; thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật, làm cho Ngày Pháp luật trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nhằm cổ vũ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật; góp phần tạo chuyển biến mới về chất lượng công tác PBGDPL, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Tinh thần Ngày Pháp luật sẽ dần dần lan tỏa trong cộng đồng và toàn xã hội. Từ đó tạo lập tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, bởi giá trị, vai trò to lớn, thiết thực của Hiến pháp và pháp luật đối với cuộc sống của mỗi người.
Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua, thông qua các hội nghị, họp chi bộ, họp khoa, phòng, Nhà trường đã phổ biến, quán triệt cho cán bộ, giảng viên các văn bản pháp luật, trọng tâm hướng vào các văn bản pháp luật mới nhằm cập nhật, bổ sung những nội dung, chính sách mới nhằm phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam, Trường Chính trị tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều hình thức khác nhau, từ phát động trong cán bộ, giảng viên Nhà trường đến việc thông qua công tác chuyên môn giảng dạy, các giảng viên truyền đạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho học viên. Từ đó, giúp học viên nâng cao chất lượng trong việc thực hiện pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác ở địa phương.
Như vậy, thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Trường Chính trị tỉnh đã thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần tạo tiền đề cho việc thực hiện pháp luật có hiệu quả của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường, xây dựng tỉnh Thái Nguyên vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Thị Giang
Khoa Nhà nước và Pháp luật