Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành năm 2022 có nhiều nội dung phân tích, đánh giá, chỉ đạo về những vấn đề lý luận, thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trước hết nói về sự khác nhau giữa nhà nước pháp quyền XHCN với nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa , Tổng Bí thư có nhấn mạnh: “Chúng ta nhận thức rằng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân”.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã tạo ra cơ chế vận hành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về vấn đề này, Tổng Bí thư đã chỉ rõ “Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân...; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”; là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.
Xã hội chủ nghĩa là một xã hội dân chủ, với tính chất đặc trưng trong quyền làm chủ của nhân dân. “Pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân”. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đề cao nhân dân, vì nhân dân. Đây là sự thống nhất về mặt bản chất. Việt Nam lựa chọn con đường đi lên xã hội chủ nghĩa sẽ là con đường đem lại tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây là sự lựa chọn nhất quán trong toàn Đảng, toàn dân ta từ khi chúng ta giành được độc lập dân tộc. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền mang bản chất xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sẽ là cơ sở, là tiền đề và điều kiện để chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội. Hơn thế nữa, “pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản”, không lấy bảo vệ cho đông đảo nhân dân làm mục tiêu cuối cùng nên không phù hợp với mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; không phù hợp để lựa chọn và xây dựng ở Việt Nam. Chính vì vậy, có thể khẳng định, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là định hướng chiến lược trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để xây dựng Nhà nước pháp quyền mang bản chất xã hội chủ nghĩa, trong bài viết Tổng bí thư cũng đưa ra một số quan điểm sau:
Trước hết cần hoàn thiện hệ thống thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần tạo dựng thể chế cho mọi doanh nghiệp và người dân có thể tham gia các quan hệ kinh tế và làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó việc hoàn thiện thể chế sẽ giúp nước ta có thể khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển đất nước. Chính vì thế, Tổng Bí thư cho rằng hoàn thiện hệ thống thể chế nhằm “Giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, sẽ khơi thông những điểm nghẽn nội tại trong cơ chế quản lý và phát triển đất nước, đây thật sự trở thành một trong những đột phá, có ý nghĩa then chốt trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh việc hoàn thiện về thể chế chúng ta cũng cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong việc thực thi quyền lực nhà nước như:
Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và giám sát tối cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội hiện nay. Theo Tổng Bí thư, Quốc hội cần “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật... Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế-xã hội”.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền hành pháp. Vì hoạt động của các cơ quan này có hiệu quả sẽ tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vì thế, cần chú trọng hơn nữa đến việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành”; bên cạnh đó phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa các cấp, kết hợp chặt chẽ với kiểm tra, giám sát giữa các chủ thể trong và ngoài hệ thống nhằm “bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất; tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Còn đối với cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền tư pháp: trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Tổng Bí thư đã yêu cầu ngành nội chính “cần tập trung xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, để qua đó nâng cao chất lượng hoạt động giải quyết các vụ việc, vụ án, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của các chủ thể pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Một nội dung nữa thể hiện trong quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta là tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả. Việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước sẽ ngăn chặn sự tùy tiện của nhà nước, đẩy lùi hiện tượng “tha hóa” quyền lực nhà nước, bảo vệ chủ quyền nhân dân. Nói về vấn đề này, nhiều lần Tổng Bí thư đã chỉ đạo phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” thể chế, và để làm được điều này chúng ta cần “Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”.
Có thể thấy những quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phản ánh được cách nhìn, khát vọng, mục tiêu không thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, không có mục tiêu nào ngoài lợi ích chân chính của Nhân dân.
Tài liệu tham khảo
1, Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” –Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2022.
2. Trần Nam Chuân, Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch chống phá Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trang điện tử Đảng uỷ Khối CCQ Trung ương, ngày 18/10/2022
3. Lê Thế Cương “Luận điệu sai trái về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” Báo điện tử CAND, ngày 10/01/2022.
Trần Thu Trang, Khoa Nhà nước và pháp luật